Công bố Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2023
Ngày 17/11/2023, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietNamNet công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2023.
Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2023. Nguồn: Vietnam Report
Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2023. Nguồn: Vietnam Report
Thông tin chi tiết về danh sách và thứ hạng VNR500 được đăng tải tại www.vnr500.com.vn.
Nguồn: Thống kê từ BXH VNR500 giai đoạn 2021-2023, Vietnam Report
Nhiều nhóm ngành tăng trưởng trở lại
Kết quả thống kê từ BXH VNR500 năm 2023 cho thấy tổng doanh thu của ba lĩnh vực Công nghiệp - Xây dựng, Dịch vụ và Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Thủy sản đều có sự gia tăng so với năm 2022. Trong đó, ngành Công nghiệp - Xây dựng vẫn là một trong những động lực phát triển của ngành kinh tế và hoạt động Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Thủy sản giữ được đà cải thiện đáng kể so với năm trước.
Nguồn: Thống kê từ BXH VNR500 năm 2022-2023, Vietnam Report
Phần lớn các nhóm ngành chính trong BXH có sự tăng trưởng trở lại về doanh thu so với năm trước, trừ nhóm ngành Xây dựng, Thép và Cơ khí. Năm 2022, bất động sản “đóng băng”, nhu cầu xây dựng lao đao, nhu cầu tiêu thụ thép chậm ở cả trong và ngoài nước khiến các doanh nghiệp trong ngành bị ảnh hưởng nặng nề. Ngược lại, ngành Khoáng sản, Xăng dầu lại có một năm bội thu, tăng trưởng hơn 42% so với kết quả thống kê năm vừa qua, vươn lên vị trí ngành có tổng doanh thu lớn nhất BXH (trước đó thuộc về ngành Tài chính).
Nguồn: Thống kê từ BXH VNR500 giai đoạn 2021-2023, Vietnam Report
Xét các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp VNR500, tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) bình quân và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) tăng trở lại, lần lượt tăng 0,2% và 4,1% so với năm trước. Khu vực vốn nước ngoài (FDI) ghi nhận hiệu quả sử dụng tài sản và vốn chủ sở hữu tốt so với hai khu vực còn lại, tăng lần lượt 2,2% và 16,8%. Ngược lại, khu vực Tư nhân ghi nhận ROA và ROE bình quân sụt giảm so với năm trước, lần lượt giảm 0,5% và 2,9%.
Trong khi đó, tỷ suất sinh lời trên doanh thu (ROS) bình quân ghi nhận mức giảm 0,4% xét trên tổng thể. Khu vực Nhà nước và Tư nhân có chung xu hướng giảm 0,5%, khu vực FDI ghi nhận tăng 0,5% so với năm trước.
Còn nhiều thách thức doanh nghiệp
Năm 2023, nhiều thách thức dai dẳng cả trong và ngoài nước đã gây áp lực nặng nề cho cộng đồng doanh nghiệp. Theo Tổng cục Thống kê, GDP 9 tháng đầu năm tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước. Xét giai đoạn 2011-2023, mức tăng này chỉ cao hơn mức tăng của 9 tháng các năm 2020 và 2021 - hai năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.
Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận sự giảm sút trong doanh thu, lợi nhuận và số lượng đơn hàng đều gia tăng rõ rệt. Tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận mức tăng doanh thu và lợi nhuận đáng kể chiếm chưa đầy 5%.
Nguồn: Vietnam Report, tháng 10/2022-2023
Theo các doanh nghiệp VNR500, tính trên thang điểm 5, những khó khăn hàng đầu bao gồm: Kinh tế tăng trưởng chậm (4,22); Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành (4,17); Cầu tiêu dùng yếu (4,06); Biến động giá năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào (3,79); Sức ép từ tỷ giá gia tăng (3,75). Trong đó, khó khăn về cầu tiêu dùng ghi nhận mức tăng cao nhất so với năm trước (+1,09 điểm).
Nguồn: Vietnam Report, tháng 10/2023
Nhận định về thời gian tác động của các yếu tố, phần lớn doanh nghiệp cho rằng hơn một nửa những khó khăn trên sẽ giảm dần tác động và có thể cải thiện vào nửa đầu năm 2024. Các yếu tố như bất ổn chính trị toàn cầu, cầu tiêu dùng yếu và tình trạng giảm đơn hàng nhiều khả năng kéo dài tới cuối năm sau; trong khi sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành được dự báo sẽ ngày càng mạnh mẽ.
Đặt trong bối cảnh hiện nay, những động thái hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là điểm tựa quan trọng cho doanh nghiệp. Nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm mục tiêu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã được ban hành ở nhiều lĩnh vực như: Nghị định 12/2023/NĐ-CP, chính sách giảm 2% thuế VAT nửa cuối năm, giảm lãi suất điều hành, Thông tư 02/2023/TT-NHNN, Thông tư 03/2023/TT-NHNN…
Khi tiêu dùng và xuất khẩu chậm lại, đầu tư càng được kỳ vọng là lực kéo mạnh mẽ thúc đẩy sự hồi phục của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Tính chung 10 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước ước đạt 479.3 nghìn tỷ đồng (+22,6% so với cùng kỳ), tương ứng đạt 65,8% so với kế hoạch năm. Nhiều tín hiệu tích cực từ các dự án đầu tư trọng điểm như 8 tuyến cao tốc mới được thêm vào danh mục các dự án quan trọng quốc gia, khởi công sân bay Long Thành, đầu tư đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối… cho thấy những nỗ lực trong việc đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ.
Nhận thức được vai trò của các chính sách hỗ trợ, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh, giúp khơi thông nguồn lực và tạo đà phát triển, một số giải pháp trọng tâm được các doanh nghiệp kiến nghị bao gồm: Kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô (71,1%); Gia hạn và giảm thuế (71,1%); Cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh (68,9%); Thực hiện các gói tín dụng ưu đãi (55,6%); Hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý, minh bạch hóa thông tin (53,3%).
Bảng xếp hạng VNR500 đã bước sang năm thứ 17 trên chặng đường tìm kiếm và tôn vinh thành tựu xứng đáng của các doanh nghiệp có quy mô lớn, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả và ổn định, thể hiện bản lĩnh kiên cường trước những cơn sóng biến động khó lường từ bối cảnh quốc tế và sự giảm tốc tăng trưởng của nền kinh tế. Lễ công bố Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2023 dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 1/2024 tại TP.HCM
Tags:Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam
bảng xếp hạng
VNR500
Tin cùng chuyên mục