Đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn sau lũ
Người dân tỉnh Quảng Trị chủ động dọn dẹp sau lũ với tinh thần “nước rút đến đâu, dọn dẹp đến đó” để đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế sự sinh sôi của các loại vi khuẩn, virus và trung gian truyền bệnh.
Người dân hỗ trợ giáo viên dọn dẹp khuôn viên trường học sau mưa lũ.
Bà Bùi Thị Tú Trinh (trú thôn Câu Hà, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) cho biết, con đường bên cạnh nhà bà bị ngập lụt sau những đợt mưa lớn diễn ra trong tháng 10/2023. Ngay khi nước rút, bà đã gom rác lại một chỗ để nhân viên vệ sinh đến chở đi.
Bà Bùi Thị Chánh (57 tuổi; trú tại xã Hải Phong) cho biết, mỗi khi nước dâng cao gây ngập lụt sẽ kéo theo rất nhiều rác thải, bùn đất, các loài thực vật (bèo, rong rêu…) và thậm chí là xác động vật… ẩn chứa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
“Có khi rác, bèo kết thành từng tảng nổi lềnh phềnh. Những tảng rác bèo đó ngấm nước nên rất nặng, nếu không xử lý ngay nhân lúc nước rút thì sau đó việc dọn dẹp sẽ vô cùng khó khăn” - bà Chánh cho hay.
Ông Nguyễn Văn Thuận (trú thôn Hội Điền, xã Hải Phong) cho hay, nghe tin nước tại điểm trường Càng (thuộc trường TH và THCS Hải Hòa) rút, ông cùng các phụ huynh đến để hỗ trợ thầy cô giáo dọn dẹp đảm bảo an toàn vệ sinh cho con em quay trở lại học tập.
Hiệu trưởng trường TH và THCS Hải Hòa Trương Văn Mẫu thông tin, nhà trường luôn chú trọng việc dọn dẹp đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường trong khuôn viên trường học nhất là vào những thời điểm mưa lụt.
Theo đó, tùy theo tình hình mưa lụt ở mỗi điểm trường và mỗi đợt bị ngập nước nhà trường sẽ có hình thức xử lý khác nhau. Cụ thể hơn, ông Mẫu cho biết, nếu bị ngập lâu ngày trong nước bạc (cách người dân địa phương gọi dòng nước có màu vàng sẫm thường chảy từ thượng nguồn về) thì ngoài việc quét dọn, sử dụng nước sạch để lau chùi, nhà trường sẽ phối hợp với cơ quan chức sử dụng vôi, hóa chất để khử trùng.
Thông tin về công tác vệ sinh môi trường, chống dịch bệnh sau lũ, ông Bùi Xuân Giang - Chủ tịch UBND xã Hải Phong cho biết, UBND xã đã có văn bản để yêu cầu các thôn, trường học, trạm y tế và nhân dân trên địa bàn thực hiện nhiều nội dung.
Cụ thể, xã Hải Phong tổ chức ra quân làm vệ sinh môi trường cơ quan, trường học, đường làng, ngõ xóm với tinh thần “nước rút đến đâu dọn dẹp đến đó”, khơi thông các cống rãnh thoát nước.
Trạm y tế phối hợp với các thôn, trường học và các ban, ngành liên quan tăng cường công tác giám sát. Đặc biệt, chú ý việc dùng hóa chất khử khuẩn, khử trùng nước sinh hoạt, đảm bảo vệ sinh môi trường, tăng cường công tác kiểm tra bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng - Dương Viết Hải cũng cho hay, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị đảm bảo an toàn vệ sinh phòng, phòng chống bệnh sau lũ.
Trong đó, yêu cầu các địa phương, đơn vị xây dựng phương án chuẩn bị xử lý nước, vệ sinh môi trường và quản lý chất thải y tế theo quy định hiện hành. Đặc biệt, khi có bão, lũ xảy ra, các đơn vị tổ chức đoàn kiểm tra, theo dõi nắm bắt tình hình ngập lụt, tình hình vệ sinh môi trường và quản lý chất thải trong các cơ sở y tế trên địa bàn, tăng cường giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt của người dân; chủ động cấp hóa chất xử lý nước, môi trường.
Ông Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, các địa phương, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh đã và đang thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh sau lũ. Kết quả này là từ kinh nghiệm ứng phó với lũ của người dân và sự chủ động, kịp thời của các địa phương, đơn vị, tổ chức trên địa bàn toàn tỉnh.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác này, UBND tỉnh Quảng Trị thường xuyên chỉ đạo các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết trên địa bàn để chủ động xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.
Chủ đề: môi trường an toàn đảm bảo sau lũ vệ sinh
Tags:Đảm bảo
vệ sinh
môi trường
an toàn
sau lũ
Tin cùng chuyên mục