11/08/2022 08:51

Đồng USD mạnh đang gây thiệt hại cho cả thế giới

Nhà đầu tư đang tăng mua USD khi lo ngại suy thoái, do đồng tiền này được coi là công cụ trú ẩn trong thời kỳ biến động. Bên cạnh đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục nâng lãi mạnh tay để giải quyết lạm phát đang cao nhất 40 năm. Điều này khiến việc đầu tư vào Mỹ càng hấp dẫn, vì cho lợi nhuận cao hơn.

Khách du lịch Mỹ có thể cảm thấy vui vẻ khi một buổi tối ở Rome từng có giá 100 USD thì giờ chỉ còn 80 USD. Tuy nhiên, bức tranh với các chính phủ nước ngoài và công ty đa quốc gia lại phức tạp hơn nhiều.

Khoảng nửa giao dịch thương mại trên thế giới là bằng USD. Vì thế, chi phí với các hãng sản xuất và doanh nghiệp nhỏ phụ thuộc vào hàng xuất khẩu đang bị đội lên. Các chính phủ cần trả nợ bằng USD cũng gặp rắc rối, đặc biệt nếu dự trữ ngoại hối của họ ở mức thấp.

Sự tăng giá của USD đã gây ra một số tác động rõ rệt. Ở Sri Lanka, việc thiếu hụt USD đã góp phần gây ra một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất tại đây, buộc Tổng thống phải rời khỏi quốc gia. Còn tại Pakistan, đồng rupee đang xuống thấp kỷ lục so với USD, đẩy nước này đến bờ vực vỡ nợ. Ai Cập - vốn đang quay cuồng với giá lương thực tăng - thì phải đối phó thêm với dự trữ USD giảm và vốn đầu tư nước ngoài rút đi. Cả 3 quốc gia này đều đã phải tìm đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để xin trợ giúp.

"Môi trường hiện tại rất thách thức", William Jackson - kinh tế trưởng tại Capital Economics nhận định.

Đồng USD mạnh đang gây thiệt hại cho cả thế giới

USD gần đây liên tục tăng giá so với các tiền tệ lớn. Ảnh: Reuters

USD có xu hướng tăng giá khi kinh tế Mỹ rất mạnh, hoặc kinh tế Mỹ yếu và cả thế giới đối mặt với suy thoái. Trong cả hai trường hợp, nhà đầu tư đều coi đồng tiền này là cơ hội để tăng trưởng, hoặc là nơi trú ẩn an toàn. Hiện tượng trên được gọi là "Đồng đôla cười" (dollar smile), do nó tăng giá trong cả hai kịch bản.

Tuy nhiên, phần còn lại của thế giới thì chẳng mấy vui vẻ. Manik Narain - Giám đốc Chiến lược Hàng hóa chéo tại các thị trường mới nổi ở UBS cho rằng có 3 lý do chính khiến đồng đôla mạnh gây thiệt hại cho các nền kinh tế nhỏ.

Gây căng thẳng tài chính

Không phải quốc gia nào cũng có khả năng vay bằng nội tệ, vì các nhà đầu tư nước ngoài có thể không tin tưởng vào thể chế hoặc nền tài chính của nước đó. Điều này đồng nghĩa họ không có lựa chọn nào khác ngoài phát hành trái phiếu bằng USD. Khi giá USD tăng, khối nợ của các nước cũng sẽ nặng theo, khiến dự trữ của họ hao hụt.

Các quốc gia khi đó cũng tốn kém hơn khi nhập khẩu lương thực, thuốc men và nhiên liệu. Đây chính là trường hợp của Sri Lanka. Đồng rupee nước này đã lao dốc so với USD trong năm nay. Khối dự trữ ngoại hối của họ, vốn đã ở mức thấp do du lịch đình trệ trong đại dịch, thì nay bị rút cạn. Thiếu thốn nhu yếu phẩm khiến người dân đổ ra đường biểu tình. Cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã phải từ chức và rời đất nước tháng trước.

Khiến dòng vốn rời khỏi đất nước

Khi tiền tệ một đất nước yếu đi đáng kể, người giàu, các công ty và nhà đầu tư ngoại bắt đầu rút tiền ra khỏi nước này để tìm đến nơi an toàn hơn. Tình trạng này khiến giá đồng tiền đó càng xuống thấp, làm trầm trọng thêm các vấn đề về tài chính.

"Nếu đang ở Sri Lanka và chứng kiến chính phủ gặp sức ép, bạn sẽ muốn chuyển tiền đi", Narain cho biết.

Gây sức ép lên tăng trưởng

Nếu các công ty không thể nhập khẩu hàng hóa cần thiết để hoạt động, họ sẽ không có đủ sản phẩm. Điều này đồng nghĩa không bán được nhiều hàng, kể cả khi nhu cầu cao, và sẽ gây sức ép lên tăng trưởng kinh tế.

Khi kinh tế Mỹ ổn định, tác động này sẽ được xoa dịu, do các nước có thể xuất khẩu hàng hóa sang đây. Tuy nhiên, trong trường hợp USD mạnh khi Mỹ bên bờ vực suy thoái, tất cả đều sẽ gặp khó khăn.

Tuần trước, USD đã giảm giá 0,6% so với rổ tiền tệ lớn. Tuy nhiên, tình hình hiện tại khó đảo ngược sớm.

"Chúng tôi cho rằng USD sẽ tiếp tục mạnh trong trung hạn", Scott Wren - chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Wells Fargo Investment Institute cho biết. Việc này khiến nhiều nhà đầu tư và nhà hoạch định chính sách thắc mắc liệu Sri Lanka có phải chỉ là sự khởi đầu. Rủi ro biến động tại các thị trường mới nổi có thể lan ra cả hệ thống tài chính toàn cầu.

Brad Setser tại CFR gần đây cho biết ông đang theo dõi Tunisia - quốc gia đang gặp khó khăn về ngân sách - và Ghana, Kenya - hiện có khối nợ lớn. El Salvador cũng phải trả nợ trái phiếu đầu năm sau. Còn Argentina vẫn đang chật vật từ sau khủng hoảng tiền tệ năm 2018.

IMF ước tính khoảng 60% quốc gia thu nhập thấp đang đứng trước rủi ro về nợ công. Tỷ lệ này 10 năm trước chỉ là 20%.

Dù vậy, tình hình hiện tại cũng có nhiều điểm khác so với các cuộc khủng hoảng trong quá khứ. Trái phiếu phát hành bằng USD hiện không quá phổ biến như trước đây. Các nước đi vay nhiều, như Brazil, Mexico và Indonesia, "nhìn chung không vay nhiều bằng ngoại tệ và có đủ dự trữ ngoại hối để trả nợ", Setser cho biết.

Bên cạnh đó, giá các hàng hóa từ dầu đến kim loại cơ bản vẫn cao. Điều này sẽ giúp các nền kinh tế mới nổi có nguồn thu ngoại tệ ổn định nhờ xuất khẩu.

Lạm phát cũng khiến ngân hàng trung ương các nước mới nổi tăng lãi suất sớm hơn cả Mỹ hay Anh. Brazil khởi động quá trình này từ tháng 3/2021 và đến nay đã nâng lãi 12 lần liên tục.

Dù vậy, tình hình vẫn còn phụ thuộc vào tương lai 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, là Mỹ và Trung Quốc. Nếu hai cỗ máy tăng trưởng này chậm lại, dòng vốn đầu tư sẽ rời các thị trường mới nổi.

"Mỹ có rơi vào suy thoái hay không là vấn đề quan trọng", Robin Brooks - nhà kinh tế học tại Viện Tài chính Quốc tế (IIF) nhận định, "Nó sẽ khiến mọi người càng sợ rủi ro hơn".

Hà Thu (theo CNN)

Tags:

USD

Mỹ

USD tăng giá

khủng hoảng

Sri Lanka

dự trữ ngoại hối

nợ công

Sức khoẻ nền kinh tế

Phân tích

Tin nóng

Tin cùng chuyên mục