Mẹ 80 tuổi rong ruổi gánh bánh, góp từng đồng mong mang tro cốt con về
80 tuổi, hàng ngày bà Hoa vẫn đi bán bánh tai yến tự kiếm tiền nuôi sống bản thân. Với bà, ước nguyện lớn nhất chính là mang được tro cốt con trai về gần mình.
80 tuổi, mỗi ngày vẫn làm 16 tiếng
Chiều muộn một ngày cuối tháng 8, bà Đặng Thị Hoa (80 tuổi, ngụ tại Quận 4, TP.HCM) vẫn cặm cụi bên gánh bánh ở vỉa hè đường Lê Thánh Tôn - Hai Bà Trưng (Quận 1, TP.HCM). Thỉnh thoảng, lướt nhìn gánh bánh còn hơn nửa, bà lại rơm rớm nước mắt.
Đưa bàn tay chai sạn, sần sùi chạm vào vết bầm còn tím xanh trên mặt, bà Hoa tâm sự: "Hôm bữa mới té cầu thang, giờ còn đau nhưng không sao, tôi còn khỏe lắm".
Thỉnh thoảng có người đến hỏi mua, bà Hoa nhanh nhảu giới thiệu bánh tai yến với giá 6.000 đồng, bánh quai vạc (bánh xếp) 15.000 đồng.
Mỗi ngày, người qua đường đều thấy bóng dáng lọ mọ, nhỏ bé của bà Hoa trên đường, ngồi bán từng cái bánh (Ảnh: Nguyễn Vy).
Nhiều người hỏi: "Bán vậy sao có lời?", bà Hoa bộc bạch: "Lời ít cũng được, ở đây chủ yếu là công nhân, học sinh, sinh viên hay dân công sở ăn thôi. Có tiền tôi bán, không tiền cũng bán, bữa khác lại đưa tiền sau cũng được".
Đúng 4h hằng ngày, bà Hoa gánh hàng bánh, đi xe ôm từ Quận 4 đến ngồi trên góc đường Lê Thánh Tôn - Hai Bà Trưng rồi bày bánh ra chiên. Để kịp chuẩn bị nguyên liệu, bà Hoa phải dậy từ 3h.
Bánh của bà Hoa được chiên mới từ sớm, để đến trưa, chiều vẫn giữ được độ giòn. Cụ bà chia sẻ, đó là nhờ bí quyết riêng được bà nội truyền lại.
Luôn cười mỗi khi có khách dừng chân trước gánh bánh, bà Hoa được nhiều người yêu mến vì tính thân thiện, hiền lành đó (Ảnh: Nguyễn Vy).
Mỗi ngày, bà ủ 2,5kg bột nếp và bột gạo từ chiều tối để rạng sáng đổ bánh. Bán từ 4h đến 19h, bà bỏ túi 100.000-150.000 đồng tiền lãi. Trong đó, 50.000 đồng bà trích ra để đóng tiền một ngày ở trọ. Số còn lại bà cất tủ, đôi lúc mới lấy ra một ít để mua thức ăn.
"Tôi già rồi, đâu có ăn gì nhiều nên không sợ tốn. Tôi khỏe lắm, không có bệnh gì hết. Chỉ có điều lớn tuổi rồi, nhiều lúc nhớ nhớ, quên quên", cụ bà trải lòng.
Nhắc lại về cuộc đời mình, bà Hoa nói giờ chẳng có ước mơ gì.
"Nhà hay xe, của cải vật chất bây giờ chẳng còn ý nghĩa gì khi tôi chỉ có một mình. Dẫu vậy, tôi vẫn lạc quan lắm. Không muốn làm phiền đến ai nên tôi cứ làm được ngày nào hay ngày đó", cụ bà nói.
Thấy bà, nhiều người động lòng, dúi vào tay bà ít tiền đi xe ôm. Chỉ bấy nhiêu, bà Hoa lần nào cũng xúc động, thấy ấm lòng, hạnh phúc. Dù buôn bán chẳng lãi lời bao nhiêu nhưng khi thấy người khó khăn, cụ bà lại bỏ vài chiếc bánh vào túi mang tặng.
"Tôi khó khăn nhưng có người còn khổ hơn. Giúp được gì tôi sẽ giúp", bà Hoa cười mãn nguyện.
Ước mong cuối đời
"Tôi sống được đến tuổi này là nhờ trời thương. Đi bán khi trời nắng to, mưa lớn, bao lần tôi ướt đầm cả nhưng may chưa từng đổ bệnh", cụ bà bộc bạch rồi quẩygánh bánh sang góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa bán tiếp.
Nhiều lần nghĩ về cuộc đời, bà Hoa không khỏi chạnh lòng (Ảnh: Nguyễn Vy).
Năm 12 tuổi, ba mẹ bà Hoa qua đời. Năm 1963, bà kết hôn rồi cùng chồng lên TP.HCM lập nghiệp. Bà học và theo nghề làm tóc từ chồng, rồi cả hai cùng chăm chút cho tiệm nhỏ, dành dụm nuôi con.
Đáng tiếc, cuộc sống hôn nhân không viên mãn được lâu, bà và chồng ly hôn khi hai con vẫn tuổi ngây thơ. Căn nhà chung phải bán đi, số tiền được chia làm đôi nửa, theo phán quyết ly hôn của tòa.
Từ đó, bà Hoa sống cảnh ở trọ cho đến nay. Dù vất vả, bà vẫn cố làm mọi nghề để nuôi con. Còn trẻ, bà làm thợ tóc, khi lớn tuổi thì chuyển sang bán bánh. Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm, bánh chiên bị cháy khét, bao bận bà phải nén nước mắt bỏ đi.
Về sau, được bà nội chỉ dạy bí quyết, bà biết cách làm cho bánh ngon hơn. Có người khách quen 10 năm của bà Hoa kể gắn bó với gánh bánh tai yến, quai vạc góc đường bấy lâu vì quá mê bánh của "ngoại".
Nhờ tình thương của mẹ, hai người con bà Hoa lớn lên, có công việc, cuộc sống tốt hơn.
Con gái bà Hoa lấy chồng xa, thỉnh thoảng gọi điện về thăm mẹ. Dù nhiều lần con gái ngỏ ý muốn đưa bà về ở gần để tiện chăm sóc, nhưng bà Hoa đều từ chối bởi thấy cuộc sống của con cũng khó khăn, bản thân bà không muốn phiền thêm.
Những chiếc bánh giòn rụm dù được chiên từ sáng sớm (Ảnh: Nguyễn Vy).
Nhiều năm trước, người con trai của bà quyết tâm ở lại TP.HCM cùng mẹ. Con trai đi học làm tóc, nhờ tay nghề giỏi nên sớm thành thợ chính, tiền làm ra đủ nuôi hai mẹ con.
"Thằng bé rất thương tôi. Mọi chi phí trong nhà đều do con lo nên khi đó, tôi làm một ngày, nghỉ một ngày, làm cho vui thôi", bà Hoa kể.
Nhưng biến cố ập đến, bà Hoa khóc không nên lời vì cảnh "người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh". Con trai bà Hoa mất trong một vụ tai nạn giao thông đã được 1 năm. Người mẹ 80 giờ vẫn chưa thôi bàng hoàng khi nhắc lại lúc nhận tin dữ.
Tro cốt của con trai được con gái bà mang về gửi ở chùa tại Bến Tre. Nhiều đêm nhớ con trằn trọc không ngủ được, bà Hoa lại lật đật ra trước di ảnh dựng tạm trong căn trọ, khẽ vuốt ve mà nước mắt rơi ướt áo.
Bà Hoa ước có thể mang tro cốt đến chùa tại TP.HCM để thường xuyên tới lui thăm con. Nhưng chi phí quá đắt đỏ, thu nhập chỉ hơn 100.000 đồng/ngày của bà thật sự không đủ.
Dù chỉ có một mình, bà Hoa vẫn giữ được sự lạc quan và trân trọng thành quả lao động tuổi về già (Ảnh: Nguyễn Vy).
Hễ có ai nhắc đến cậu con trai quá cố, đôi mắt bà Hoa lại lèm nhèm nước, dù cố giữ bình tĩnh. Bà ước con còn sống để chứng kiến bà khỏe mạnh. Nhiều lúc nhìn thấy cảnh những gia đình sung túc, đoàn tụ đi ngang qua, bà lại chạnh lòng.
"Còn sức tôi còn làm, thôi thì số đã như vậy rồi. Đồng tiền tự mình làm ra mới thấy trân trọng. Tôi không biết sống đến khi nào, nhưng nhất quyết không làm phiền đến ai", cụ bà tâm niệm.
Theo Dân Trí
Cụ bà 100 tuổi làm 'thiên cổ đệ nhất trà' giá 10 triệu đồng/kgCụ Nguyễn Thị Dần (phường Quảng An, Tây Hồ) đã bước sang tuổi 100 và là người cao tuổi nhất đang làm nghề ướp trà sen tại Hà Nội. Mỗi cân trà sen truyền thống, gia đình cụ Dần bán giá 7 hoặc 10 triệu đồng.
Bình luận
Tags:80 tuổi
bà hoa
bán bánh
mẹ
tro cốt
kiếm tiền
ước nguyện
Tin cùng chuyên mục