Mưa ngâu là gì, xuất hiện vào khoảng thời gian nào?
Mưa ngâu thường xuất hiện vào tháng 7 âm lịch và gắn liền với truyền thuyết về ông Ngâu bà Ngâu.
Mưa ngâu theo lý giải khoa học
Mưa ngâu là hiện tượng thời tiết phổ biến xảy ra hàng năm ở miền Bắc. Khoảng thời gian có mưa ngâu là các tháng 7, tháng 8.
Nguyên nhân gây ra hiện tượng mưa ngâu trong khoảng thời gian này là do sự hoạt động mạnh của rãnh xích đạo Bắc Ấn Độ Dương, khu vực biển Đông và bán đảo Đông Dương.
Khi hoàn lưu khép kín do rãnh xích đạo nằm xa xích đạo sẽ khiến mây tập trung thành 2 dải bên rìa đường hội tụ trong rãnh và gây ra mưa.
Mưa ngâu thường xuất hiện vào tháng 7 âm lịch ở miền Bắc. Ảnh minh họa: Pexels.
Dải hội tụ này được gọi là hội tụ nhiệt đới. Trong đó dải hội tụ từ phía Bắc được gọi là tín phong Đông Bắc và phía Nam gọi là tín phong Tây Nam.
Do ảnh hưởng của hội tụ nhiệt đới này mà miền Bắc Việt Nam sẽ xuất hiện hiện tượng mưa dầm kéo dài. Những cơn mưa không lớn nhưng rả rích suốt cả ngày. Dân gian còn gọi là mưa ngâu.
Theo kinh nghiệm dân gian, mưa ngâu thường xuất hiện từ ngày 3/7 kéo dài đến ngày 7/7, ngày 13/7 đến ngày 17/7 và ngày 23/7 đến ngày 27/7 âm lịch. Dân gian xưa có câu vào mùng 3 ra mùng 7 chỉ kiểu thời tiết mưa ngâu tháng 7.
Hiện nay, do ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu, quy luật diễn ra mưa ngâu cũng có nhiều thay đổi và không còn chính xác như kinh nghiệm xưa đúc kết.
Mưa ngâu theo truyền thuyết
Hiện tượng mưa ngâu còn được giải thích bằng câu chuyện truyền thuyết về tình yêu Ngưu Lang và Chức Nữ. Tuy nhiên, câu chuyện này gắn liền với ngày lễ Thất tịch, xuất phát từ Trung Quốc.
Trong văn hóa của người Việt, ngày 7/7 âm lịch gắn liền với chuyện tình dang dở của ông Ngâu bà Ngâu.
Theo cuốn Nếp cũ -Tín ngưỡng Việt Nam (quyển hạ) của tác giả Toan Ánh có nhắc, bà Ngâu vốn xuất thân là con gái của Ngọc Đế, tên Chức Nữ. Nàng Chức Nữ không chỉ có nhan sắc xinh đẹp mà còn giỏi may vá, thêu thùa.
Nàng ái mộ Ngưu Lang, một chàng trai chăn trâu. Dù chỉ là kẻ chăn trâu nhưng chàng Ngưu có tài thơ ca, thi phú và rất đỗi yêu thương nàng Chức Nữ.
Thương con gái, Ngọc Đế tác thành cho đôi trẻ.
Đôi uyên ương cùng nhau trải qua những tháng ngày hạnh phúc, sớm tối bên nhau. Mải yêu, Ngưu Lang Chức Nữ quên mất công việc của mình. Chức Nữ biếng dệt lười khâu, còn chàng Ngưu bỏ bê đèn sách, đến đàn trâu là tài sản lớn cũng chẳng thèm trông.
Ngọc Đế biết tin bèn nổi giận, đày hai người ở hai bên bờ sông Ngân và mỗi năm nhờ đàn quạ đen bắc cầu, gọi là cầu Ô Thước cho gặp nhau một lần.
Sống ở hai bên bờ, chàng Ngưu chăn trâu chăm chỉ đợi ngày tái ngộ người thương, còn Chức Nữ phải may vá dệt lụa để hối lỗi.
Mỗi năm, khi đến ngày 7/7 âm lịch, hai người được gặp nhau, nước mắt tủi hờn, nhớ nhung cứ thế tuôn trào. Nước mắt ấy rơi xuống hạ giới gây nên những cơn mưa liên tiếp. Người ta gọi đó là mưa ngâu.
Theo quan niệm dân gian, khoảng thời gian từ mùng 3 đến mùng 7 thường có các đợt mưa ngắn, đó là nước mắt của vợ chồng Ngâu trong ngày hội ngộ. Từ mùng 8 trở đi đến trung tuần tháng 7 mưa dầm dề hơn, tương truyền là nước mắt chia ly.
(Tổng hợp)
Nguồn gốc, ý nghĩa của lễ Thất tịch, mùng 7/7 âm lịchTương truyền vào Thất tịch (ngày 7/7 âm lịch), Ngưu Lang và Chức Nữ sẽ được gặp nhau. Năm nay, lễ Thất tịch rơi vào thứ 4, ngày 22/8 dương lịch.
Vì sao ngày Thất tịch thường có mưa ngâu?Vào ngày Thất tịch (mùng 7/7 âm lịch), Ngưu Lang và Chức Nữ gặp lại nhau sau 1 năm xa cách. Ngày này, trời thường đổ mưa, dân gian gọi là mưa ngâu.
Bình luận
Tags:mưa ngâu
tháng 7 âm lịch
ông Ngâu bà Ngâu
Ngưu Lang Chức Nữ
ngày Thất tịch
lễ thất tịch
Tin cùng chuyên mục