29/08/2022 10:59

Ngành giải trí Hàn Quốc kiếm tiền ra sao?

Quỳnh Như (một fan tại TP HCM) dự kiến chi hơn 10-12 triệu đồng để tham dự concert của nhóm nhạc SF9 diễn ra tại Thái Lan trong cuối năm nay. Trước đây, cô từng có mặt tại 4 concert ở nước ngoài và 2 concert tổ chức trong nước. Tổng cộng, số tiền Như dành tham gia concert lên đến hơn 50 triệu đồng.

Như chỉ là một trong rất nhiều những người sẵn sàng tiêu thụ mặt hàng xuất khẩu đặc sắc này của hơn 300 nhóm nhạc và hàng chục nghệ sỹ Hàn Quốc.

Đầu tháng 8, nhóm nhạc nữ huyền thoại của Hàn Quốc - Girls’ Generation, phát hành đĩa nhạc (album) để kỷ niệm 15 năm hoạt động. Để ủng hộ, fanpage lớn nhất của cộng đồng người hâm mộ tại Việt Nam mở chiến dịch quyên góp tiền hỗ trợ quảng bá và trợ giá album với tổng cộng hơn 250 triệu đồng sau 2 tháng. Song song đó, cộng đồng người hâm mộ nhóm nhạc này tại Việt Nam cũng tổ chức đặt mua album, ghi nhận hơn 6.500 đĩa, tương đương hơn 2,6 tỷ đồng chỉ tính riêng fanpage này.

Trung bình, Quỳnh Như và những người hâm mộ có thể chi đến hàng chục triệu đồng mỗi năm để mua album, vé concert, fanmeeting, fansign và các vật phẩm liên quan.

Dữ liệu iPrice công bố vào cuối năm 2020 cho thấy, người hâm mộ các nhóm nhạc đang hoạt động sôi nổi nhất K-pop hiện nay chi trên 1.000 USD mỗi năm cho thần tượng. Trong đó người hâm mộ nhóm nhạc nam hàng đầu hiện tại BTS trung bình tốn 1.422 USD mỗi năm để mua album, vé concert và các vật phẩm liên quan.

Ngành giải trí Hàn Quốc kiếm tiền ra sao?

Album, lightstick, card và một vài sản phẩm liên quan đến "nhóm nhạc quốc dân" SNSD. Ảnh: Tất Đạt

Làn sóng Hàn Quốc (Hallyu) chỉ sự phổ biến của văn hóa nước này trên toàn cầu từ những năm 1990. Ban đầu được thúc đẩy bởi sự lan rộng của phim truyền hình Hàn Quốc (K-drama) và âm nhạc Hàn Quốc (K-pop) trên khắp Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á, Hallyu dần phát triển khắp châu lục và trở thành một hiện tượng toàn cầu. Làn sóng Hàn Quốc hình thành nên ngành công nghiệp quan trọng, đóng góp lớn trong nền kinh tế phát triển nhanh chóng của nước này.

Sự phổ biến của Hallyu được ủng hộ bởi chính phủ Hàn Quốc bằng nhiều chính sách hỗ trợ từ cuối những năm 1990 với mục tiêu trở thành "nhà xuất khẩu văn hóa hàng đầu toàn cầu", một thị trường ngách mà Mỹ đã thống trị trong gần một thế kỷ trước đó. Theo Financial Post, từ năm 2005, chính phủ nước này đã phát động quỹ đầu tư trị giá một tỷ USD để hỗ trợ ngành công nghiệp âm nhạc. Năm 2014, quốc gia Đông Á này công bố dành 1% ngân sách để chi trợ cấp và cho vay lãi suất thấp với các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực văn hóa, thành lập các cơ quan xúc tiến và mở rộng xuất khẩu K-pop, đồng thời thành lập thêm các khoa văn hóa tại các trường đại học.

Chìa khóa thành công của K-pop đến từ mô hình "lò đào tạo": tuyển dụng nhân tài từ bé, sau đó đào tạo 4-5 năm đến hàng chục năm để trở thành thần tượng. Mô hình này vốn xuất phát từ Nhật Bản và được Lee Soo Man - sáng lập SM Entertainment mang về áp dụng cho ngành công nghiệp giải trí quê nhà.

Các tài năng nhí từ bé đã được các công ty giải trí tìm kiếm và chọn lọc gắt gao. Trải qua nhiều kỳ thi tuyển, vượt hàng nghìn ứng viên cùng lứa tuổi, họ mới được chọn vào "lò đào tạo". Trải qua nhiều năm đào tạo thanh nhạc, vũ đạo, rèn luyện ngoại hình, cách ứng xử..., họ mới được phép ra mắt với tư cách thần tượng K-pop. Theo khảo sát của Statista, chi tiêu trung bình hàng tháng cho mỗi thực tập sinh trong ngành giải trí ở Hàn Quốc khoảng 1,2 triệu won (khoảng 894 USD) vào năm 2020.

Đánh đổi cho những tháng ngày đào tạo tốn kém, một nhóm nhạc thành công mang về "núi tiền" cho các công ty chủ quản.

Bán album tạo ra dòng doanh thu kinh điển cho các nhóm nhạc. Theo Gaon Chart của Hiệp hội Nội dung Âm nhạc Hàn Quốc, doanh số của 400 album K-pop phổ biến nhất trên toàn thế giới đã ghi nhận một bước nhảy vọt chỉ trong thời gian ngắn. Năm 2015, khoảng 8,4 triệu album K-pop được bán ra. Đến năm 2019, con số trên tăng gần gấp 3 lần, lên 24,6 triệu bản. Tính đến tháng 11 năm ngoái, hơn 54,6 triệu đĩa nhạc đã được bán, tăng gần hai lần so với năm 2019. Trong đó, 60% doanh số bán đĩa là từ thị trường nước ngoài.

Cùng với kinh doanh đĩa nhạc, concert cũng là nguồn thu quan trọng của các công ty giải trí. Trung bình, mỗi buổi biểu diễn thường đón trên dưới 10.000 khán giả, có buổi ghi nhận sức chứa lên đến 40.000-75.000 người. Giá vé trung bình mỗi concert khoảng 2-5 triệu đồng tùy nơi tổ chức và danh tiếng của thần tượng. Viện Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc mới đây đưa ra báo cáo mỗi buổi concert do BTS - nhóm nhạc nam hàng đầu K-pop hiện tại, tổ chức có thể mang về hơn 1.000 tỷ won (hơn 800 triệu USD).

Không chỉ giới hạn trong nước, các công ty giải trí từ lâu đã vẽ bản đồ tổ chức concert ra nhiều quốc gia châu Á và một số thành phố lớn ở phương Tây. Theo tính toán của Hyundai Motor Securities, khoảng 2,85 triệu người dự kiến tham dự các buổi concert K-pop tại nước ngoài trong năm nay.

Ngành giải trí Hàn Quốc kiếm tiền ra sao?

Concert SMTOWN Live 2022 diễn ra vào cuối tháng 8 tại Suwon, Hàn Quốc thu hút hơn 30.000 khán giả trực tiếp và hơn 51 triệu lượt xem online. Ảnh: SM Entertainment

Tận dụng sức ảnh hưởng của mình, thần tượng K-pop dễ kiếm tiền qua các hợp đồng quảng cáo, đại sứ thương hiệu, đóng phim hay chụp ảnh cho các bộ sưu tập, tạp chí thời trang... Các buổi chụp ảnh chỉ mất một vài buổi nhưng có thể mang về hàng chục nghìn USD. Trong khi đó, cát-xê tham gia phim ảnh và các hợp đồng quảng cáo, đại sứ thương hiệu dao động từ mức hàng trăm nghìn đến hàng triệu USD mỗi dự án.

Theo Korea Times, BTS có thể kiếm được khoảng 4,5 triệu USD cho mỗi thương hiệu Hàn Quốc mà họ làm đại diện. Mức phí đó sẽ cao hơn khi phạm vi sử dụng hình ảnh nhân rộng toàn cầu. Theo Vogue Business, từ tháng 1/2020 đến tháng 5/2021, Lisa từ nhóm nhạc nữ Blackpink kiếm được 80,9 triệu USD nhờ "nên duyên" với Celine.

Ngoài ra, các công ty giải trí cũng tìm cách đa dạng hóa nguồn thu từ các sản phẩm thương hiệu (branded merchandise) có gắn hình ảnh thần tượng K-pop, cộng đồng người hâm mộ thường gọi là "goods". Phổ biến trong đó gồm tấm ảnh nhỏ in hình thần tượng chụp ảnh tự sướng (card), tấm ảnh in hình thần tượng phổ rộng (poster), gậy phát sáng dùng để cổ vũ thần tượng (lightstick), nhãn dán in biểu tượng nhóm nhạc (sticker), trang sức, quần áo, phụ kiện thời trang... Theo số liệu mới nhất từ Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA), doanh thu goods đạt 150 tỷ won chỉ tính riêng trong năm 2018, bao gồm các mặt hàng do tư nhân sản xuất và hàng vi phạm bản quyền.

Hiện tại, các công ty SM Entertainment, YG Entertainment, JYP Entertainment và mới đây là Hybe, thường được gọi là "Big 4" trong ngành giải trí Hàn Quốc, chiếm hơn 60% thị phần đĩa nhạc vào năm 2021. Năm ngoái, tổng doanh thu của "Big 4" đạt 2.507 tỷ USD với lợi nhuận ròng gần 344,5 tỷ USD. Chỉ xét riêng doanh thu, các thần tượng đến từ 4 công ty kể trên đã mang về số tiền tương đương một nửa quy mô kinh tế của các "thiên đường du lịch" như Maldives, Fiji, Barbados...

Trong giai đoạn đại dịch, kết quả kinh doanh của 4 công ty giải trí lớn hầu như đều tăng trưởng, phần lớn nhờ vào các buổi concert tổ chức qua nền tảng trực tuyến và tiêu thụ album. Kết quả trên đạt được bất chấp thu nhập người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Hybe sau khi thâu tóm thêm nhiều công ty và duy trì tốt mảng concert trực tuyến, doanh thu vượt 1.000 tỷ won - cao nhất lịch sử ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc. Trong khi đó, SM Entertainment cũng ghi nhận doanh thu cao kỷ lục trong năm ngoái, thoát lỗ sau 2 năm với lợi nhuận tăng vọt. Kết quả kinh doanh tích cực trên đến từ việc các nhóm nhạc như NCT, EXO, aespa... tiêu thụ album cao gấp đôi năm ngoái.

Đại dịch một lần nữa chứng minh sự thành công của ngành giải trí Hàn Quốc tại nước ngoài, nhờ vào sự phát triển của mạng xã hội và các nền tảng chia sẻ video trực tuyến. Những năm gần đây, các công ty giải trí của "xứ sở kim chi" bắt đầu tập trung đẩy mạnh phát triển thị trường nước ngoài, thành lập chi nhánh tại nhiều quốc gia.

Tại Việt Nam, RBW Entertainment - quản lý các nhóm nhạc Mamamoo, Oneus..., là một trong những công ty có danh tiếng đầu tiên mở chi nhánh tại Việt Nam. RBW từng ra mắt nhóm nhạc Việt Nam có tên D1VERSE vào năm 2020 nhưng đã thông báo tan rã hồi tháng 3/2022 với duy nhất một bài hát được phát hành.

Song song đó, SM Entertainmnet cũng thành lập chi nhánh tại Việt Nam hồi năm 2018. Chủ tịch Lee Soo Man từng cho biết công ty hứng thú với Việt Nam vì là một quốc gia rất trẻ và năng động với 65% dân số dưới 35 tuổi, có nhiều nét tương đồng về văn hóa với Hàn Quốc...

Kế hoạch của công ty là ra mắt nhóm phân hiệu Việt Nam thuộc hệ thống nhóm nhạc NCT đang hoạt động rất hiệu quả tại thị trường quê nhà.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng mở một cửa hàng SMTOWN tại TP HCM - cửa hàng đầu tiên ở nước ngoài của SM Entertainmnet. Ban đầu chỉ trưng bày các sản phẩm của thần tượng, sau đó cửa hàng này mở bán cà phê và nước uống. Từ đầu năm nay, SMTOWN bắt đầu bán các goods cho người hâm mộ. Móc khóa thường được bán với giá 250.000-500.000 đồng, ly cốc có giá 450.000-550.000 đồng, vòng tay và dây chuyền dao động 800.000-950.000 đồng, áo thun khoảng 800.000-900.000 đồng...

 

Tags:

giải trí

K-pop

phim Hàn

SNSD

SM Entertainment

BTS

Xu hướng kinh doanh

Phân tích

Tin nóng

Tin cùng chuyên mục