02/04/2022 14:27

Nghề 'đục đẽo' ngoài biển khơi

 Nghề mộc trên bờ vốn đã vất vả thì những người thợ mộc hoạt động trên biển khơi càng gian nan hơn bội phần...

Lênh đênh trên biển

Xòe đôi tay nhăn nheo và nhợt đi sau nhiều giờ ngâm dưới nước biển, thợ mộc Lê Văn Thanh (Cam Phúc Bắc, Cam Ranh, Khánh Hòa) thở phào như vừa trút bớt được một nỗi lo âu. Anh Thanh chia sẻ: "Nghề làm thợ mộc trên biển chính là dựng các nhà chòi canh cá, đóng, ghép các bè cá. Nghề nhọc nhằn nhưng lời lãi không được bao nhiêu. Mấy ngày trước đài báo thời tiết đầu tháng 4 bất thường, có mấy nhà chòi trên Vịnh Cam Ranh chưa làm xong thế là ngụp lặn để đục đẽo các ngàm thanh gỗ to, chặt các cây gỗ nhỏ để gia cố, buộc cho chặt các nhà chòi đang dang dở".

Nghề 'đục đẽo' ngoài biển khơi

Làm nhà bè hay làm nhà chòi giữa biển khơi đều nhọc nhằn.

Ban đầu cũng có một số thợ mộc chuyên làm trên bờ được các ngư dân chở ra biển làm nhà chòi nhưng sợ sóng gió họ khước từ. Thế nên, mỗi lần nhà chòi hư hỏng tìm thợ đến đỏ mắt cũng không ra. Từ đó, hàng loạt ngư dân quyết rèn thêm nghề mộc. Vừa làm cho gia đình, hàng xóm đến lúc nông nhà lại có thể lên đất liền mưu sinh.

Được xem là thợ mộc lành nghề trên biển ở Cam Phúc Bắc (Cam Ranh), anh Vy Thanh Đông thổ lộ rằng, có lúc cứ lênh đênh trên biển từ mờ sáng đến chiều muộn để đóng bè, dựng nhà chòi cho người dân. Đồ nghề mang theo bên mình lỉnh kỉnh đục, cờ-lê, cưa, ốc vít…

Khó nhất của việc dựng nhà ở biển là khi đóng cột gỗ hoặc đục đẽo các ngàm. Cột đóng xuống phải đủ độ sâu, ngàm giữa các thanh gỗ phải khít vào nhau như vậy mới bảo đảm sức chống chọi với sóng gió, đảm bảo an toàn cho đời sống của chủ nhân của những nhà chòi…

Anh Vy Thanh Đông nói.

Nghề mộc trên biển ngoài kỹ thuật đục đẽo những người thợ còn kỹ lưỡng chọn những loại gỗ chắc, có sức chịu đựng khi ngâm nước nhiều ngày. Trước khi đóng các đầu cột sâu xuống đáy biển thì phải được bôi/quét một lớp dầu đặc biệt mà nước biển khó ăn mòn. Sau đó bọc kỹ càng bằng ni-lon.

Vừa bước lên bờ sau nửa ngày ngụp lặn, thợ mộc Trung Kiên (Cam Ranh) bảo: "Nghề này nhìn thì thấy đơn giản nhưng bắt tay vào làm rất kỳ công. Bởi thế nên ngư dân quen với nắng gió sẽ bám trụ được. Để các trụ nhà chòi bền vững, các thợ mộc còn phải lặn xuống đáy biển cầm theo các dụng cụ để đào những chiếc lỗ sâu và vừa với đầu trụ. Sau đó mới đóng trụ xuống.

Với những chỗ đáy biển cứng thì không phải đào xuống nhiều nhưng chỗ mềm có khi phải đào sâu xuống cả mét. Những thợ mộc mới vào nghề ngụp lặn xuống đào được chục lỗ đã mệt nhoài...".

Nghề 'đục đẽo' ngoài biển khơi

Những nhà chòi, bè cá được dựng lên chắc chắn ở vùng biển Cam Ranh, Khánh Hòa.

Gửi bao ước vọng

Có hàng trăm bè cá, nhà chòi đã được mình trực tiếp làm, thợ mộc Nguyễn Tùng (Cam Ranh) vỡ lẽ ra rằng: "Nghề gì cứ yêu rồi thì muốn gắn bó mãi. Thế nên có những thời điểm bão bùng lâu ngày không ra biển đục đẽo, ngụp lặn làm nhà chòi cho ngư dân lại thấy nhớ. Mặc dù vào lúc cao điểm, tiền công mỗi ngày cho thợ mộc trên biển cũng chỉ 300 đến 350 nghìn đồng".

Không chỉ ở Cam Ranh mà dọc khu vực Vạn Ninh (Khánh Hòa) hay ở tỉnh Phú Yên cũng ngày càng nhiều thợ mộc lành nghề làm nhà chòi, bè cá trên biển. Có thợ vừa làm cho gia đình mình vừa làm cho hàng xóm hoặc khu vực lận cận nên làm xong mỗi nhà chòi hay bè cá họ lại gửi vào đó bao ước vọng.

Nhìn những nhà chòi, bè cá san sát bên nhau vùng biển Vạn Ninh (Khánh Hòa) anh Trần Văn Hảo quả quyết rằng: "Trước khi làm bè hay dựng nhà chòi cho ai những người thợ cũng luôn khảo sát kỹ và tự nhắc nhở mình phải làm chắc, cẩn thận nhất. Làm xong thì ước mong thiên tai đừng ùa đến, các nhà bè gắn kết bền chặt với nhau.

Có những nhà chòi, khi dựng cột vì bất cẩn một số thợ mới vào nghề còn bị cọc nhọn đâm vào chân hay ốc vít/đinh đâm vào tay, các ngư dân xúm lại băng bó, động viên nên không hề nản lòng".

Nghề 'đục đẽo' ngoài biển khơi

Nhà vùng biển ở Khánh Hòa, nhà chòi, bè cá san sát.

Nhiều lần ra đầm Nha Phu (Khánh Hòa) dựng nhà chòi và gia cố bè cho người quen, thợ mộc Văn Bảy tâm tình: "Cứ nhìn những hộ dân mừng rỡ vì được mùa tôm, cá từ chính bè mình làm hay nhà chòi qua bao mùa mưa nắng vẫn không hư hỏng thì đó là niềm hạnh phúc nhất của cánh thợ mộc trên biển rồi".

Trước đây ở đầm Nha Phu còn ít người, giờ những thợ lặn, những ngư dân từ Quảng Ngãi, Bình Định… cũng quần tụ về đây, chẳng khác gì xóm làng trên biển cả. Thế nên nhà chòi, bè cá cũng phải làm cẩn trọng như làm nhà trên đất liền. Trong mỗi căn nhà ấy ẩn chứa những giấc mơ, những khát vọng về một đời sống bình an, no ấm...

 

Tags:

biển khơi

Khánh Hòa

Tin cùng chuyên mục