Những 'ngôi nhà 5.000 đồng'
Căn nhà của sinh viên Phạm Thái Hào, xây dựng cách đây 22 năm, sập trong cơn mưa giông nửa tháng trước. Cha mẹ Hào định tận dụng vật liệu cũ dựng căn nhà tạm song cột kèo, tôn đều mục nát, chỉ còn cách xây mới.
Hào gửi hết tiền lương gia sư vài triệu đồng cho cha mẹ xây nhà rồi thủ sẵn thùng mì gói cho cả tháng, cộng thêm tiền vay mượn của người họ hàng song không thấm vào đâu. Đang lúc chưa biết tính sao, chàng sinh viên năm cuối nhận tin vui: hồ sơ hỗ trợ xây "nhà 5.000 đồng" được xét duyệt khẩn cấp, kinh phí 50 triệu đồng. "Hay tin Hào gọi ngay về nhà, ai cũng mừng muốn khóc", Hào kể.
Sinh viên Phạm Thái Hào (bìa phải) tại lễ khởi công "ngôi nhà 5.000 đồng" hôm 29/6. Ảnh: Nguyễn Khánh
Ngày 29/6, đoàn trường trao một phần tiền để gia đình chàng sinh viên khoa sư phạm ngoại ngữ khởi công. Ông Phạm Văn Lạc - cha của Hào chia sẻ: "Đêm trước ngày khởi công cả gia đình bốn người đều không ngủ được. Nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ được hỗ trợ căn nhà ý nghĩa thế này".
Ở tuổi U50, gia tài lớn nhất của ông Lạc là khoảnh đất nhỏ sau nhà, trồng lúa chỉ đủ bốn miệng ăn. Để có tiền cho hai con ăn học ông cùng vợ mở quán hủ tiếu ven đường, thuê ruộng trồng lúa thêm. Làm quanh năm, người đàn ông quê Cần Thơ đủ tiền xoay xở trong ngoài, chẳng dám nghĩ đến việc xây nhà mới. Từ sự đóng góp của hàng nghìn sinh viên, gia đình ông có căn nhà chắc chắn không sợ gió tạt, mưa lùa.
Niềm vui nhà mới cũng vỡ oà với gia đình sinh viên Nguyễn Thị Thu Thảo vào ba năm trước. Lúc đó, dù biết trường có mô hình hỗ trợ xây nhà mới cho sinh viên khó khăn nhưng Thảo có chút ngần ngại, không nộp đơn xin. Khi gần tốt nghiệp, cán bộ đoàn của xã biết căn nhà Thảo sắp sập, chủ động đề xuất với trường. Đoàn trường nhanh chóng xác minh hoàn cảnh gia đình Thảo, thống nhất hỗ trợ 40 triệu đồng.
Sau ba năm xây dựng cô sinh viên Thu Thảo đã có công việc ổn định, luôn ghi nhớ sự giúp đỡ của các bạn cùng trường lúc khó khăn. Ảnh: Ngọc Tài
Bà Lê Thị Thơi, mẹ Thảo nhớ như in, lúc dỡ nhà cũ vừa tháo dây chằng, căn nhà liền xiêu vẹo rồi ngã ngang, cột kèo gãy thành từng khúc. Căn nhà đã xây hơn 20 năm khi bà cùng chồng ra riêng. Vì không ruộng đất, sinh kế, gia đình bà Thơi dựa vào quán nước ven đường, cùng đồng lời từ dàn âm thanh cho thuê. Hai người con gái lần lượt vào đại học, tiền bạc thêm eo hẹp, hai vợ chồng quyết nhịn ăn, nhịn mặc nhưng không cho các con nghỉ học giữa chừng. Cũng vì vậy mà căn nhà dột nát ngày thêm nhiều.
"Mưa lớn là tui và tụi nhỏ qua nhà hàng xóm trú tạm, tạnh mới dám về", bà Thơi kể. Cùng với sự hỗ trợ ngày công của nhóm sinh viên tình nguyện hè, căn nhà chính thức hoàn thành sau một tháng, cùng lúc Thảo ra trường, tìm được công việc gần nhà. "Tôi thực sự biết ơn các bạn và nhà trường", Thảo chia sẻ.
Hào, Thảo là một trong số 70 sinh viên được hỗ trợ xây nhà mới từ mô hình của Đoàn trường Đại học Đồng Tháp, thực hiện 12 năm qua, tổng kinh phí hơn hai tỷ đồng.
Nguyễn Hiếu Kiên, người vừa dự buổi bàn giao nhà mới cho một sinh viên cùng khoa, kể ngày đầu vào giảng đường bạn rất ngạc nhiên với mô hình. "Kiên không hiểu 5.000 đồng chưa đủ mua ly nước mía sao có thể xây được nhà, sau đó mới biết số tiền nhỏ của mỗi bạn đóng góp tạo nên ý nghĩa lớn là bạn của mình có được nhà mới kiên cố", cô sinh viên năm hai khoa sư phạm Toán Tin chia sẻ. Đóng góp của bản thân dù rất nhỏ song Kiên cảm thấy vui lây khi bạn học có nhà mới.
Căn nhà 3.000 đồng thời điểm năm 2015, với sự giúp đỡ của đoàn viên Trường Đại học Đồng Tháp. Ảnh: Ngọc Tài
Anh Lê Phước Vinh - Bí thư Đoàn trường, cho biết ban đầu mô hình có tên "Ngôi nhà nhân ái" sau đó lấy tên "Ngôi nhà 2.000 đồng" vì mỗi bạn sinh viên góp 2.000 mỗi năm, sau nâng lên 3.000 đồng, hiện là 5.000 đồng mỗi tháng. Số nhà được hỗ trợ từ một căn mỗi năm, lên 5-6 căn. "12 năm qua mô hình không gián đoạn năm nào, thực sự đúng với phương châm lá lành đùm lá rách", Vinh chia sẻ. Ngoài sinh viên, giảng viên của trường cũng đóng góp mức tương ứng 10.000 đồng mỗi tháng.
Ông Trương Tấn Đạt - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Đồng Tháp, cho biết mô hình ra đời năm 2010 - hưởng ứng phong trào "Ngôi nhà nhân ái" của Trung ương Đoàn, sử dụng đoàn phí để xây nhà nhưng không đủ duy trì. "Năm đó số lượng sinh viên hơn 10.000 người, nếu mỗi sinh viên góp 2.000 đồng, đã đủ xây một căn nhà. Vì vậy đoàn trường mới đề xuất cách làm này và được thông qua", ông Đạt khi đó là Bí thư Đoàn trường nhớ lại.
Từ 20 triệu số tiền hỗ trợ nâng lên 40 triệu, 50 triệu mỗi căn đồng thời mở rộng xây dựng ở 7 tỉnh không riêng ở Đồng Tháp. Ngoài ra, với những gia đình không có kinh phí đối ứng, trong những đợt ra quân tình nguyện nhà trường sẽ đưa sinh viên xuống xây dựng, tiết kiệm phần nào tiền công cho gia chủ.
Mới đây, một doanh nghiệp cũng đồng ý hỗ trợ mỗi năm bốn căn nhà cho sinh viên khó khăn. "Mô hình duy trì đến hôm nay vì chính các sinh viên hiểu được ý nghĩa, đồng lòng đóng góp dù nhỏ nhưng mang lại hạnh phúc lớn cho nhiều người", ông Đạt chia sẻ.
Tags:
Đồng Tháp
Đại học Đồng Tháp
hỗ trợ sinh viên khó khăn
ngôi nhà 5.000 đồng
Tin nóng
Tin cùng chuyên mục