Quý 1/2022, kinh tế TP.HCM tăng trưởng dương trở lại nhưng sức mua giảm
Kết thúc quý 1/2022, kinh tế TP.HCM ước tăng 1,88% sau 02 quý trước liên tiếp ở mức tăng trưởng âm. Tuy nhiên, sức mua hàng hoá của người dân lại giảm…
Giá cả tăng cao khiến sức mua hàng hoá chưa thể phục hồi.
Sau 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm lần lượt là: âm 24,97% và âm 11,64% vào quý 3 và quý 4/2021, quý đầu năm 2022,tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn TP.HCM (GRDP) đã tăng trưởng dương trở lại, ước tăng 1,88%.
KINH TẾ TP.HCM ĐANG PHỤC HỒI NHANH
Tại cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội quý 1 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý 2/2022 củaUBND TP.HCM tổ chức diễn ra vào chiều ngày 5/4 mới đây, bàLê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, đánh giá những tháng đầu năm nay tình hình phục hồi và phát triển kinh tế thành phố có bước khởi sắc với nhiều điểm sáng.
Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán, bảo đảm tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch, hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, số doanh nghiệp trở lại hoạt động đạt tỷ lệ cao, khu công nghệ cao đạt 100%, ngoài khu công nghiệp đạt trên 90%.
Tính đến hết quý 1/2022, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn TP.HCM (GRDP) ước tăng 1,88% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng dương của kinh tế thành phố sau khi giảm sâu ở quý 3 và quý 4/2021 lần lượt: âm 24,97% và âm 11,64%. Tín hiệu này cho thấy kinh tế thành phố đang phục hồi nhanh, sớm hơn kỳ vọng.
Tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện ước đạt 121.037 tỷ đồng, đạt 31,3% dự toán, tăng 9,4% so với cùng kỳ.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 11,9 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 2,2%); tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 17,4 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 17,7%).
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của TP.HCM ước tăng 1,04% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 3,8%). Giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của Khu công nghệ cao ước đạt 5,147 tỷ USD, tăng 2,26% so với cùng kỳ.
Quý1/2022, TP.HCM có 9.150 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là gần 146.000 tỷ đồng (tăng gần 28% về số lượng doanh nghiệp và giảm 7,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ). Có 938 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm gần 21% so với cùng kỳ; hơn 10.300 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 58% so với cùng kỳ; 6.248 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng gần 397% so với cùng kỳ.
Bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 5,39% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,5%). Trong đó, ngành sản xuất hàng điện tử ước giảm gần 13% do giảm sản lượng mặt hàng điện tử dân dụng, linh kiện điện tử. Ngành hóa dược - cao su - nhựa ước tăng gần 19%. Ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống ước tăng 3,2%. Ngành cơ khí ước tăng 4% so với cùng kỳ.
Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 3.182 tỷ đồng, tăng 1,24% so với cuối năm 2021.
Tuy nhiên, TP.HCM cũng đang phải đối diện với các thách thức tồn tại thời gian qua, như: dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp do chủng Omicron; Xung đột vũ trang Nga - Ukraina kéo theo một số yếu tố bất lợi về tăng giá xăng dầu dẫn đến nguy cơ tăng giá các mặt hàng, gây khó khăn cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội thành phố...
Nhiều giải pháp của Trung ương và TP.HCM được triển khai đồng bộ và kịp thời, giá cả được kiểm soát tốt cùng với nguồn cung hàng hóa bình ổn được cung ứng đầy đủ ra thị trường.
Ngoài ra, giá bán nhiều hàng hóa, dịch vụ được điều chỉnh giảm do tác động giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8% từ ngày 01/02/2022 theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế… góp phần giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá.
Dù vậy, trong quý đầu năm 2022, giá cả nhiều mặt hàng vẫn tăng cao khiến chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 1,51%, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2021 chỉ tăng 0,84%). Sức mua hàng hoá của người dân chưa phục hồi khiến tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 3 tháng đầu năm nay ước giảm 4,8% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,2%).
Một vấn đề quan trọng trong quý này là tổng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) vào thành phố ước giảm gần 40,1% so với cùng kỳ.
KIỂM SOÁT GIÁ CẢ, DUY TRÌ XUẤT KHẨU
Trong quý 1/2022, kinh tế của thành phố đã có sự khởi đầu thuận lợi nhưng vẫn đối diện với nhiều khó khăn, thử thách.
Theo ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM, các thử thách đó là nền kinh tế của đất nước hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp từ tình hình chung toàn cầu đang rất khó lường. Trước hết là tình hình xung đột hết sức phức tạp, áp lực tăng giá toàn cầu… Do đó, việc kiểm soát giá cả, lĩnh vực thương mại, dịch vụ, bình ổn giá, duy trì xuất khẩu, nâng cao công tác dự báo và cập nhật thường xuyên.
Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành uỷ TP.HCM: "Kinh tế của thành phố đã có sự khởi đầu thuận lợi nhưng vẫn đối diện với nhiều khó khăn, thử thách". - Ảnh: ITN.
Bí thư Thành uỷ TP.HCM cũng nhấn mạnh đến việc đẩy nhanh phục hồi du lịch, lấy du lịch nội địa làm nền tảng để thu hút du khách trong và ngoài nước. Xúc tiến ngay để sớm tháo gỡ khó khăn trong thực hiện dự án Vành đai 2, 3, 4 và sớm kết thúc dự án chống ngập để đưa vào sử dụng, bảo đảm chất lượng quy trình, đúng pháp luật. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng vấn đề nhà ở như: nhà ở xã hội, nhà cho công nhân, nhà ven kênh rạch…
Quý 2/2022, TP.HCM sẽ thực hiện một số dự án, công trình, sự kiện trọng tâm.
Cụ thể, tổ chức diễn đàn kinh tế TP.HCM lần thứ 3 năm 2022 với chủ đề: “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM trong tương lai”; Hội nghị xúc tiến đầu tư vào khu vực 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi; Khánh thành và đưa vào sử dụng cầu Thủ Thiêm 2; Hội nghị về công tác giải phóng mặt bằng và triển khai kế hoạch giải phóng mặt bằng Đường Vành đai 3…
Tags:
Quý 1
kinh tế
TP.HCM
GRDP
sức mua
tiêu dùng hàng hoá
Sở Kế hoạch và Đầu tư
CPI
lạm phát
Tin cùng chuyên mục